Bên cạnh đó, trước kia, việc đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) chủ yếu là tự phát ở một vài địa phương và đầu mối đưa người đi XKLĐ từ một vài công ty ở TP Hồ Chí Minh, thông qua người thân hay bạn bè giới thiệu.
Từ năm 2016 đến nay, công tác đưa người đi XKLĐ đều qua công ty, trung tâm do Sở LĐ-TB&XH giới thiệu, tạo sự an tâm cho người dân. Vì thế XKLĐ ngày càng phát triển mạnh và Hoài Ân là một điển hình.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Hòa, 31 tuổi, nhờ vốn liếng có được sau mấy năm lao động ở nước ngoài, trở về quê mua đất, xây nhà và mở sạp bán giày dép ở chợ Kim Sơn. Còn anh Nguyễn Văn Quy, 26 tuổi (em trai anh Hòa) cũng đi XKLĐ ở Nhật Bản, sau nhiều năm đã tích cóp được một số vốn trở về quê đầu tư làm ăn.
Anh Quy kể: Tôi học xong lớp 12 đi học nghề về vận hành máy thi công ở TP Quy Nhơn rồi làm việc ở Đắk Lắk, suốt 2 năm mà không dành dụm được gì. Nhưng sau 3 năm làm ở Nhật Bản, tôi để dành được gần 700 triệu đồng. Nay về quê, tôi dự định mở cơ sở để kinh doanh.
Gia đình ông Trần Văn Tư (SN 1964, ở thôn Bình Sơn, xã Ân Nghĩa), sau nhiều năm chịu trận, cảnh nhà dột nát nay đã chấm dứt, khi giữa năm 2019, họ xây được căn nhà cấp 4 kiên cố từ nguồn tiền gửi về của con trai Trần Minh Nhi đang lao động bên Nhật Bản.
“Hơn nửa đời người mới xây được nhà cửa ổn định. Tổng cộng số tiền xây nhà 280 triệu đồng đều là của Nhi gửi về”, ông Tư phấn khởi chia sẻ.
Xã Ân Tường Tây là địa phương nhiều năm dẫn đầu huyện về số lượng XKLĐ. Thống kê của UBND xã, đến tháng 11/2019, toàn xã có 266 người đi XKLĐ.Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ân Tường Tây Trần Thanh Sơn, thực tiễn cho thấy, tham gia XKLĐ hợp pháp là con đường ngắn và hiệu quả để thoát nghèo; tích lũy được nguồn vốn khá lớn để từ đó có điều kiện khởi nghiệp, đầu tư sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đưa kinh tế gia đình đi lên.
Chỉ riêng thôn Phú Khương đã có 5 hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo nhanh nhờ có con đi lao động ở Nhật Bản. Tiêu biểu như hộ bà Nguyễn Thị Dự, cả hai con là Đỗ Thành Kha và Đỗ Thị Thu Hà đều tham gia, trong đó Kha đang đi lần 2, Hà chưa hết hạn (lần 1) nhưng đã có ý định sẽ xin tiếp tục.
Bà Dự tâm sự: Công sức lao động của con, sau khi trả hết chi phí đi XKLĐ, vợ chồng đầu tư 200 triệu đồng xây hệ thống chuồng trại nuôi heo số lượng lớn. Việc chăn nuôi thuận lợi, chúng tôi sửa sang lại nhà cửa. Ngoài ra, còn mua được cho mỗi đứa 1 lô đất, sau này cho chúng ra riêng khi lập gia đình. Thật sự, gia đình không dám nghĩ lại có thể tạo dựng được cơ ngơi trong thời gian ngắn như vậy. Chúng tôi cũng đã thống nhất xin ra khỏi hộ cận nghèo để nhường chính sách ưu tiên cho những người khó khăn hơn.
Tương tự, gia đình ông Đỗ Liêm cũng có hai con gái đi XKLĐ tại Nhật Bản, trong đó, Đỗ Thị Kim Phụng mới hết hạn về nước hơn 1 tháng (hiện ở TP Hồ Chí Minh, học ngoại ngữ để tiếp tục đi), còn Đỗ Thị Kim Mai đang làm việc bên Nhật Bản. Gia đình ông Liêm từ một hộ nghèo nhờ có các con đi XKLĐ mà đã vươn thoát nghèo bền vững. Trong năm nay, ông bà đã xây dựng được ngôi nhà 2 tầng bề thế.
Bên cạnh diện mạo địa phương thay đổi tích cực, nhờ tác động của việc người dân tham gia XKLĐ, bản thân mỗi gia đình có con em đi làm việc ở nước ngoài cũng thể hiện sự chắt chiu và phát huy hiệu quả công sức lao động. Không chỉ vậy, các gia đình có con đi XKLĐ cũng dành sự quan tâm thấu đáo đến việc nhắc nhở, động viên con em mình trong chấp hành pháp luật lao động và sinh sống hòa đồng, gương mẫu tại nước sở tại. Nhờ đó, người dân đi XKLĐ của huyện Hoài Ân nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung, ngày càng đẹp hơn trong mắt các nhà tuyển dụng cũng như các nước tiếp nhận lao động